10/4/14

Bkav chính thức đem Btalk "tham chiến" thị trường OTT vào ngày 16/4

ICTnews - Thông tin từ Bkav, ngày 16/4 tới công ty sẽ chính thức đem Btalk "tham chiến" thị trường OTT. Bkav cho biết, ứng dụng thoại và SMS mang thương hiệu Btalk sẽ được miễn phí. Bkav cho hay, Btalk được tích hợp tính năng gọi điện thông thường và gọi điện miễn phí trên cùng một giao diện Talk, ngoài ra còn có những tính năng khác như nhắn tin, chat miễn phí tích hợp nhắn tin, chat Facebook, Yahoo, Gtalk. Trước mắt, Btalk chỉ chạy trên điện thoại hệ điều hành Android. Tuy nhiên, trong tương lai, những người dùng điện thoại cài các hệ điều hành khác cũng có thể trải nghiệm những tiện ích của ứng dụng này. Trước đó, ngày 2/4, Bkav đã gỡ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng Play Store của Google. Tính đến thời điểm này, có gần 10 doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thiện ứng dụng này. Nhưng chỉ có Zalo đang "làm mưa làm gió" trên thị trường OTT. Mới đây, Zalo chính thức đạt 10 triệu người dùng cùng 120 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày. Với con số này, Zalo đã phủ sóng 50% thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam. Với sự trỗi dậy của các ứng dụng OTT Việt thì nhiều OTT ngoại cũng bị đẩy vào giai đoạn suy thoái như Kakao Talk, thậm chí cả Line. Thực tế trên thị trường OTT Việt Nam là cuộc đấu của Zalo và Viber. "Cuộc chiến" ở thị trường OTT Việt Nam cũng rất khốc liệt. Mặc dù Viber không tốn một đồng nào nhưng đã có được gần 10 triệu thuê bao ở Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam khác phải bỏ hàng chục triệu USD để quảng bá cho dịch vụ của mình. Số tiền này lớn hơn rất nhiều so với tiền bỏ ra thiết kế xây dựng sản phẩm. Sau khi có thuê bao, các doanh nghiệp OTT bắt buộc phải tính đến yếu tố thương mại cho dịch vụ này. Thông thường các doanh nghiệp OTT sẽ tính đến bài toán như bán sticker, hoặc bán quảng cáo, ứng dụng khác để thu hồi vốn. Thế nhưng, tâm lý người dùng Việt thích sử dụng các dịch vụ miễn phí nên sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp OTT trong yếu tố thươg mại. Như vậy, Bkav muốn đẩy được Btalk có vị trí ở thị trường Việt Nam chắc chắn phải đầu tư số tiền không nhỏ và rất khó dự báo trước được yếu tố thương mại của dịch vụ này. Cho dù các ứng dụng OTT có thành công ở Việt Nam hay không thì sự xuất hiện ồ ạt này cũng là yếu tố đe dọa "miếng bánh" của các mạng di động. Đại diện các nhà mạng thừa nhận đây đang là vấn đề gây “đau đầu”, nhất là khi dịch vụ như Viber trong tháng 12/2013 đã tiếp tục ra mắt dịch vụ cho phép người dùng smartphone, máy tính có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại cố định, di động ngay cả khi thiết bị không cài đặt ứng dụng. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone bày tỏ sự bất cập: Trong khi các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone hay Viettel đều phải tuân thủ luật cạnh tranh tại thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp OTT một mặt đang được “tự do” cung cấp dịch vụ, một mặt vẫn chưa bị siết, chưa phải tuân thủ bất kỳ quy định gì của luật pháp. Chung quan điểm, ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone bày tỏ: Trong thời gian qua các dịch vụ OTT đã có sự quảng bá, đầu tư mạnh tay để xây dựng thương hiệu và phát triển cộng đồng. Về bản chất, doanh nghiệp OTT đã có sự cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng truyền thống và thực tế là khoảng 2 năm qua, VinaPhone đã chịu sự ảnh hưởng lớn từ dịch vụ thoại và tin nhắn của các ứng dụng OTT. Theo quan điểm của bà Phạm Thanh Vân - Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, OTT tuy có ảnh hưởng tới các nhà mạng, rõ nhất ở hai phần doanh thu chính là thoại và SMS, song quan điểm của Viettel là những gì thuộc về xu thế thì sẽ cùng phát triển “cộng sinh” chứ không chống lại. Theo bà Phạm Thanh Vân, nếu nhìn nhận một cách công bằng thì việc các doanh nghiệp OTT nhảy vào Việt Nam, tuy có thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng đem lại sức ép về cách thức kinh doanh, cách đi trên thị trường. Viettel mong muốn người tiêu dùng có lợi hơn, thị trường Việt Nam phát triển tốt hơn, tuy nhiên Bộ TT&TT cũng cần sớm đưa ra hướng quản lý đối với các doanh nghiệp OTT. Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, trên thế giới hiện có một số xu hướng khác nhau trong vấn đề “đối xử” với OTT. Có nước cấm dịch vụ OTT, có những nước không quản lý, chỉ coi đây là một dịch vụ giá trị gia tăng bình thường, không cần quản lý bằng các chính sách nhưng cũng có một số quốc gia lại đưa quản lý ở tầm vĩ mô. Theo ông Hải, riêng với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay thì việc đưa vào quản lý OTT là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tạo sự hợp tác giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp ứng dụng OTT. Các nhà mạng và doanh nghiệp OTT tăng cường trao đổi để xem xét hình thức nào các bên cùng có lợi và đảm bảo quyền truy cập, sử dụng dịch vụ OTT của người sử dụng.

Tags: ,

0 Responses to “Bkav chính thức đem Btalk "tham chiến" thị trường OTT vào ngày 16/4”

Đăng nhận xét

Featured Posts

© 2013 SƯU TẬP WORDPRESS - BLOGGER. All rights reserved.